Một số tình hình triển khai bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức
11:00 AM 28/10/2021 | Lượt xem: 2282 In bài viết |CÂU HỎI
Để thực hiện tốt việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức UBDT sớm ban hành bộ giáo trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho các đối tượng và giáo trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025”. (Ý kiến của các tỉnh Bắc Cạn, Cần Thơ, Hòa Bình, Long An).
TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO
1) Về xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho các đối tượng và giáo trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.
Công tác biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho nhóm đối tượng 1 và đối tượng 2. Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý về nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 1 và đối tượng 2. Qua tham vấn, cho thấy về cơ bản, các chương trình lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước đều đã có biên soạn một số chuyên đề, nội dung kiến thức về dân tộc hoặc liên quan đến kiến thức dân tộc, song chưa có sự phối hợp thống nhất về nội dung trong chương trình, tài liệu, nhất là về kiến thức thực tiễn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
Hiện nay, đang phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức rà soát, biên bản, chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng1 và đối tượng 2 theo yêu cầu; Công tác biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đối tượng 3 và đối tượng 4, UBDT đã ban hành chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức nhóm đối tượng 3 và đối tượng 4 giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ (chuyên đề giảng dạy) và Quyết định 778/QĐ-UBDT ngày 23/10/2019 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT với 6 chuyên đề giảng dạy, tương đương với 40 tiết học (thời gian trên lớp 24 tiết; nghe báo cáo, tìm hiểu thực tế địa phương, thảo luận 10 tiết; viết thu hoạch 4 tiết; khai giảng, bế mạc 2 tiết). Nội dung này UBDT đang giao cho Học viện Dân tộc chủ trì, tiếp tục biên soạn 09 chuyên đề tham khảo cho nhóm đối tượng 3 và 08 chuyên đề tham khảo cho nhóm đối tượng 4, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021.
Công tác biên soạn chương trình, tài liệu bồ dưỡng tiếng DTTS. Trong năm 2019 và 2020 UBDT đã giao cho Học viện Dân tộc tổ chức các cuộc hội thảo nhằm lấy ý kiến tham vấn nhu cầu sử dụng, thực trạng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số; thực trạng đội ngũ giảng viên dạy tiếng DTTS; thực trạng biên soạn chương trình tài liệu dạy tiếng DTTS; thực trạng và nhiệm vụ giải pháp tổ chức dạy tiếng DTTS thuộc các địa phương, khu vực vùng DTTS và miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Tuy nhiên đây là vấn đề rất phức tạp, gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Hiện nay, UBDT đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan nghiên cứu và tổ chức thực hiện.
2) Với khung thời gian đang quy định hiện nay là:
Tại Điểm a Khoản 2 Mục III của Quyết định 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025” đã quy định. Chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc:
- Nhóm đối tượng 1: thực hiện lồng ghép với nội dung chương trình lý luận chính trị; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng; cung cấp tài liệu để tự nghiên cứu.
- Nhóm đối tượng 2:
Tại các bộ ngành Trung ương, thực hiện lồng ghép với nội dung các chương trình lý luận chính trị; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, học tập quán triệt Nghị quyết của Đảng, cung cấp tài liệu để tự nghiên cứu;
Tại các địa phương, bồi dưỡng tập trung 3 ngày/năm và cung cấp tài liệu để tự nghiên cứu.
- Nhóm đối tượng 3: bồi dưỡng tập trung 5 ngày/năm ( 6 chuyên đề giảng dạy và 9 chuyên đề tham khảo).
- Nhóm đối tượng 4: bồi dưỡng tập trung 5 ngày/năm ( 6 chuyên đề giảng dạy và 8 chuyên đề tham khảo).
3) Về nội dung tập huấn và giảng viên
Ý kiến của đại biểu nhất là người có uy tín, trưởng thôn thì nội dung tài liệu tập huấn quá dài, chưa trọng tâm cần xem xét, nghiên cứu biên soạn bộ tài liệu ngắn gọn, tài liệu còn tập trung quá nhiều vào lý luận và chưa thực tiễn, cần giảng theo hướng cầm tay chỉ việc. Ngoài các chuyên đề bắt buộc UBDT đã ban hành chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4 (Quyết định 778/QĐ-UBDT ngày 23/10/2019 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT).
Hiện nay, UBDT đang biên soạn 17 chuyên đề tham khảo tài liệu chương trình bồi dưỡng kiến thức cho nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4, giao Học viện Dân tộc chủ trì, phối hợp với vụ, đơn vị UBDT biên soạn tài liệu tham khảo theo hướng cẩm nang, sổ tay công tác, đảm bảo ngắn gọn, cập nhật thông tin chính sách mới, đường lối của Đảng về chính sách dân tộc từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
4) Ủy ban Dân tộc thường xuyên mở các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác dân tộc.
Căn cứ Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Hằng năm UBDT đều xây dựng kế hoạch, phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, cử công chức, viên chức tham gia các lớp lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành, an ninh quốc phòng và giao Học viện Dân tộc tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 3 và nhóm đối tượng 4 theo Quyết định 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo Quyết định 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ là một nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Đề án “Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025” đã được tích hợp vào chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là cơ sở quan trọng, nhất là vấn đề đảm bảo về kinh phí thực hiện đối với việc bồi dưỡng kiến thức DTTS, làm công tác dân tộc trong phạm vi cả nước.
Ủy ban Dân tộc đang nghiên cứu, chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo quyết định ban hành kế hoạch bồi dưỡng kiến thức dân tộc giai đoạn và hàng năm (áp dụng trên phạm vi toàn quốc). Trong đó, kinh phí thực hiện kế hoạch, được phân bổ theo nguồn kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ( Tiểu dự án 2, Dự án 5).
Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp nên trong năm 2020 và 2021 việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ phụ trách công tác dân tộc, tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào DTTS, bồi dưỡng kiến thức dân tộc tại các tỉnh, địa phương gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Thời gian tới Học viện Dân tộc và Trung tâm Thông tin (UBDT) phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, nghiên cứu, hướng dân tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc bằng hình thức trực tuyến cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Xuân Thường