Nghệ An: Tăng cường giáo dục kỹ năng cho học sinh dân tộc thiểu số

07:36 AM 17/09/2021 |   Lượt xem: 2140 |   In bài viết | 

Học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS Tương Dương, Nghệ An trong khu ký túc xá. Ảnh tư liệu.

Điều đó khiến thầy cô giáo nội trú phải nhẫn nại, quan tâm hơn gấp nhiều lần. Ngoài kiến thức, thì giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho các em được chú trọng. Đặc biệt với học sinh ở lứa tuổi hình thành nhân cách, không có bố mẹ thường xuyên ở bên và thầy cô, nhà trường là gia đình thứ 2.

Bài học đầu tiên ở trường nội trú

Trường PTDTNT THCS Tương Dương là một trong số trường tập trung học sinh ở nhiều dân tộc nhất Nghệ An, như: Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu... Bởi vậy, văn hóa và năng lực, kỹ năng của các em có sự khác nhau. Cô Lô Thị Thùy - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, về thuận lợi, các em được về học tập, sinh hoạt chung nên có dịp được giao lưu, tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.

Học sinh được hướng dẫn làm quen với sinh hoạt tập thể.

Những khó khăn đối với công tác giáo dục là các em còn thiếu kỹ năng, sống khép kín, khả năng hiểu nghĩa Tiếng Việt đã ảnh hưởng đến kết quả học tập. Một số em có sự phân biệt dân tộc nên thường né tránh giao lưu, tiếp xúc với các bạn khác dân tộc. Để nhằm xóa bỏ ngăn cách giữa các học sinh thuộc các thành phần dân tộc khác nhau, nhà trường bố trí mỗi lớp học đều có đủ các thành phần dân tộc và các em sinh hoạt tại kí túc xá theo lớp.

Những năm học trước nhà trường đón học sinh lớp 6 trước ngày tựu trường để giúp các em có thời gian làm quen với cuộc sống mới. Nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức như: giáo dục về truyền thống nhà trường, phổ biến nội quy, văn nghệ chào mừng. Hướng dẫn tác phong sinh hoạt tập thể từ cách giặt quần áo, gấp chăn màn, cách giữ vệ sinh cá nhân và môi trường.

Giờ đọc sách tại thư viện thân thiện của học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS Tương Dương, Nghệ An.

Nhưng năm nay, do không có ngày tựu trường và khai giảng tập trung, nên nhà trường giao cho giáo viên phụ trách từng lớp, từng phòng thực hiện hướng dẫn các kỹ năng cơ bản và giúp các em được vượt qua nỗi nhớ gia đình.

Học sinh nội trú thường bắt đầu từ 5h30 phút để tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi đến lớp. Buổi sáng học chương trình chính khóa, buổi chiều học tăng cường. Tối sau khi ăn xong, các em có giờ tự học tại lớp có sự hướng dẫn, kèm cặp của giáo viên trực.

Cô Lô Thị Thùy chia sẻ: “Theo tôi, khó khăn nhất của học sinh dân tộc thiểu số khi tập trung 3 tại chỗ tại trường nội trú là trong thời gian đầu mới nhập học. Các em còn nhỏ (mới 12 tuổi), lần đầu xa gia đình, nhiều em chưa biết tự chăm sóc bản thân, chưa quen sử dụng các trang thiết bị hiện đại,… Sau 1 tháng, các em sẽ hòa nhập, chăm ngoan và học tập, rèn luyện tốt”.

Nhiều hoạt động tăng cường kỹ năng

Là trường DTNT nên nhà trường chú trọng tổ chức các hoạt động tập thể và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Cụ thể, trong mỗi năm học, nhà trường tổ chức ít nhất 4 cuộc ngoại khóa chuyên môn tạo sân chơi “vừa học vừa chơi” cho học sinh.

Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh theo mùa, giáo dục giới tính… Biểu diễn văn nghệ trong các ngày lễ lớn.

Nhà trường chú trọng giáo dục truyền thống cho học sinh.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho học sinh được phát triển năng khiếu và sở thích cá nhân, nhà trường thành lập các câu lạc bộ nghệ thuật, thể dục thể thao (cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, đẩy gậy…) đều có giáo viên hướng dẫn.

Đồng thời tổ chức chương trình “Những điều em muốn nói” vào tối thứ 7 của tuần thứ 3 trong tháng. Qua đó, tạo cơ hội để các em được chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình một cách cởi mở, dân chủ. 

Tại kí túc xá nhà trường còn có 1 “Thùng quà tình bạn”. Học sinh sẽ tự nguyện quyên góp vào thùng quà số tiền tiết kiệm ăn quà vặt để nhằm giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Giáo dục tình tương thân tương ái, biết yêu thương quan tâm giữa các bạn học trong lớp, trong trường.

Thùng quà tình bạn giúp các bạn biết chia sẻ, có tinh thần tương thân tương ái.

Khi bước vào môi trường học tập nội trú, các em có cơ hội giao lưu, tiếp nhận nhiều kênh thông tin, văn hóa. Nhưng giữ gìn bản sắc dân tộc là điều mà trường luôn chú trọng, coi là nhiệm vụ quan trọng.

Theo cô Lô Thị Thùy, nhà trường thực hiện nhiệm vụ này bắt đầu từ việc giáo dục các em biết trân trọng, giữ gìn trang phục và tiếng nói dân tộc mình. Thứ 2 hàng tuần, học sinh phải mặc trang phục dân tộc. Khuyến khích giáo viên, nhân viên học tiếng dân tộc để giao lưu, giao tiếp với học sinh.

Mời nghệ nhân đến trường hướng dẫn học sinh các bài đồng dao, dân ca, các trò chơi dân gian. Tổ chức ngày tết truyền thống theo hình thức mô phỏng. Trong các chương trình văn nghệ ưu tiên các tiết phục mang âm hưởng dân gian, tái hiện văn hóa các dân tộc (Lễ hội cầu mùa, lễ mừng lúa mới…).

Học sinh chăm sóc vườn rau xanh trong trường nội trú.

Trong năm học vừa qua, nhà trường có tổ chức ngoại khóa đọc thơ bằng 3 thứ tiếng (Kinh, Thái, Mông) và được học sinh hưởng ứng, quan tâm. Trong năm học này, nhà trường cũng dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức với quy mô rộng hơn.

Học sinh nội trú phải xa gia đình, rời bản làng đi học, không có bố mẹ bên cạnh. Vì vậy, trường học là ngôi nhà thứ 2 của các em. Nhiệm vụ của nhà trường, giáo viên nội trú có nhiều vất vả, mệt nhọc, đòi hỏi nhẫn nại, tâm huyết.

“Nhưng thầy cô nhà trường coi đó là điều bình thường, yêu thương dạy học, chăm sóc, giáo dục cho các em như chính con cái mình. Sau 4 năm học tại trường DTNT THCS, các em đều có sự thay đổi cả về thể chất, kiến thức, lẫn kỹ năng sống. Đó là thành quả lớn nhất của trường nội trú”, cô Lô Thị Thùy nói.

(giaoducthoidai.vn)