Có những giải pháp gì để hoàn thành chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2021-2025 cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

09:00 AM 22/08/2021 |   Lượt xem: 2609 |   In bài viết | 

Khám, chữa bệnh BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số (ảnh tư liệu)

CÂU HỎI

Trong những năm qua, vấn đề Bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, thông qua các chương trình chính sách, tỷ lệ đồng bào DTTS được thụ hướng chính sách về bảo hiểm y tế ngày càng tăng. Tuy nhiên, vùng DTTS&MN vẫn là vùng rất khó khăn, thiệt thòi về chăm sóc y tế. Trong giai đoạn 2021-2025, các cấp các ngành có giải pháp gì để hoàn thành chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế cho vùng đồng bào DTTS?

TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO

Trong những năm qua, cùng với việc tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa, Nhà nước đã cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và bố trí kinh phí khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Các yếu tố khách quan như điều kiện kinh tế, khoảng cách từ nhà đến các cơ sở y tế, đường giao thông đi lại khó khăn, nhận thức của người dân... đã ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân vùng DTTS và miền núi.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 11/2020, cả nước có 86,4 triệu người tham gia BHYT, chiếm hơn 89,2% dân số tham gia BHYT. Theo số liệu điều tra thực trạng KT-XH 53 DTTS năm 2019, tỷ lệ người DTTS trên địa bàn vùng DTTS và miền núi có thẻ BHYT là 93,5% (năm 2016 đạt 91%; năm 2017 đạt 92,05%; năm 2018 đạt 93,68%). Một trong các lý do để đạt thành quả trên đến từ hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động triển khai mô hình bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, BHYT hộ gia đình, cũng như cấp phát thẻ BHYT miễn phí cho đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, được các bộ ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là ngành BHXH quan tâm.

Số liệu thống kê Bộ Y tế cho thấy, đến năm 2020 có khoảng 78,8% trạm y tế xã đã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT; có thể thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. Tuy nhiên, công tác BHYT vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân còn thấp, thiếu cán bộ y tế có chuyên môn sâu, cán bộ y tế tại địa phương, cơ sở vật chất y tế ở vùng DTTS và miền núi còn thiếu, chưa đồng bộ. Mặc dù kết quả cấp thẻ BHYT miễn phí đạt tỷ lệ cao, song số lượng người khám chữa bệnh, chất lượng khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT ở cơ sở còn thấp. Tỷ lệ người DTTS sử dụng thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh năm 2019 đạt 43,7% (Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019).

Tỷ lệ người DTTS tham gia BHYT năm 2019. (Nguồn: Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019).

Khắc phục những khó khăn về điều kiện KT-XH, nhiều tỉnh/thành phố đã chủ động cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là những người thuộc diện chính sách, có thẻ BHYT. Từ khi Nhà nước nâng mức hỗ trợ BHYT cho đồng bào dân tộc, người nghèo, người mới thoát nghèo lên 100% chi phí khám, điều trị bệnh. Đây là chủ trương đúng đắn, góp phần chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho đồng bào vùng khó khăn, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS  đối với Đảng và Nhà nước. Có thẻ BHYT, người dân đã chủ động hơn trong chăm sóc sức khỏe cho bản thân, không còn ngại ngần đến các trung tâm y tế để được thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi có thẻ BHYT, người bệnh đến khám nhiều hơn, chất lượng y tế tại tuyến cơ sở cũng được cải thiện rõ rệt; đồng bào DTTS đã có điều kiện được điều trị nội trú một cách chu đáo.

Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân với mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân thiết thực, hiệu quả, đi vào đời sống. Nhờ có nhiều giải pháp phù hợp, đặc biệt là thông qua công tác tuyên truyền, trực tiếp đến từng hộ gia đình, giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu về những quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT hộ gia đình. Nhiều địa phương gần như đã về đích, hoàn thành nhiệm vụ phủ sóng BHYT toàn dân.

Nhà nước đã ưu tiên bố trí ngân sách thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án để đầu tư, xây dựng, nâng cấp phát triển hệ thống cơ sở khám chữa bệnh, trang thiết bị các cơ sở y tế, nhất là đầu tư cho bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã. Đồng thời, tạo điều kiện cho đồng bào được khám chữa bệnh trên các cơ sở y tế, BHYT chi trả 100% cho các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng. Chính vì vậy, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT luôn đạt tỷ lệ cao trong những năm qua. Song song đó, trình độ, năng lực của đội ngũ y bác sĩ đối với bệnh nhân luôn được cải thiện. Nguồn nhân lực cho công tác khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS ngày càng được bảo đảm về số lượng và chất lượng. Hiện cả nước có trên 400 trạm y tế, phòng khám quân dân y thuộc các xã vùng sâu vùng xa thực hiện khám chữa bệnh cho người dân. Công tác tuyên truyền, vận động cho người dân xây dựng làng văn hóa, thực hiện nếp sống giữ gìn vệ sinh môi trường, bài trừ hủ tục, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS... được coi trọng. Thực hiện Chương trình dân số-kế hoạch hóa gia đình, chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản, kiêm thêm nhiệm vụ cô đỡ thôn bản cũng đã được triển khai thực hiện hiệu quả tại nhiều địa phương.

Ủy ban Dân tộc cũng ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào DTTS. Trong đó, có nội dung lồng ghép, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh, BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình... Chú trọng vai trò, ý nghĩa, giá trị nhân văn, đạo đức của chính sách BHXH và quyền lợi người tham gia; góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS và miền núi.

Đối tượng và địa bàn thực hiện chính sách BHYT

Thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014; Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế; Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020...

Triển khai nhiệm vụ được giao, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khi vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn; Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 16/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc các xã, thôn trên địa bàn vùng DTTS và miền núi được tiếp tục thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đó cả nước hiện có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực trung ương. Đây là căn cứ xác định địa bàn, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ BHYT trên địa bàn vùng DTTS và miền núi trong thời gian tới.

Từ ngày 01/7/2021, theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ sẽ có thêm một số đối tượng hưởng trợ cấp xã hội thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi được cấp thẻ BHYT miễn phí, gồm một số đối tượng như: (1) Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đặc biệt khó khăn; (2) Là trẻ em dưới 03 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi đặc biệt khó khăn; Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo; Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng; (3) Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng (tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng).

Nhiệm vụ, giải pháp và chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2021 - 2025

Để triển khai hiệu quả chính sách BHYT cho đồng bào DTTS, Ủy ban Dân tộc kiến nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm bố trí kinh phí, thực hiện các hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, quyền và lợi ích khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về khám, chữa bệnh theo hướng: quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước theo việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, dịch vụ khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS để người dân được thụ hưởng đầy đủ quyền được khám chữa bệnh và chính sách theo quy định của Luật BHYT. Tiếp tục tăng cường bác sĩ về công tác tại bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ bác sĩ là người DTTS, để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân...

Tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, có nêu mục tiêu đến năm 2025: “... 98% đồng bào DTTS tham gia BHYT...”. Do đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Dự án này nhằm tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, góp phần tăng tỷ lệ có thẻ BHYT và sử dụng thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh của đồng bào DTTS; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu được Quốc hội giao. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, gồm một số hoạt động trọng tâm như:

- Xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi: Đầu tư xây dựng mới, cải tạo cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện; Đào tạo nhân lực y tế cho các huyện nghèo và cận nghèo vùng khó khăn; Hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về trạm y tế xã; Hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản; Hỗ trợ điểm tiêm chủng ngoại trạm; Hỗ trợ người DTTS và miền núi tham gia BHYT, dự kiến sẽ hỗ trợ một phần mệnh giá (phần còn lại do ngân sách địa phương đóng) để mua thẻ BHYT cho người DTTS nếu không đủ điều kiện được hỗ trợ theo Luật Bảo hiểm y tế.

- Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2030: Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh trước sinh và sơ sinh; Đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số nhanh; Ổn định và phát triển dân số đồng bào DTTS tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, khu vực biên giới; Nâng cao năng lực quản lý dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi; Phòng chống bệnh Thalassemia tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS: Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ, trẻ nhỏ, lồng ghép trong chăm sóc trước, trong và sau sinh nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS; Chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong bà mẹ, trẻ em; Tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em.

Trong chính sách an sinh xã hội, hai trụ cột quan trọng là chính sách BHXH và chính sách BHYT. Việc triển khai thực hiện tốt chính sách BHYT sẽ góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp giảm gánh nặng chi phí y tế, đảm bảo an sinh xã hội. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cùng vào cuộc, giúp đẩy nhanh tiến độ bao phủ BHYT, đảm bảo lợi ích cho người dân vùng DTTS và miền núi, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH.

Xuân Thường