Những kết quả nổi bật trong phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

09:03 PM 30/08/2021 |   Lượt xem: 1801 |   In bài viết | 

CÂU HỎI

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc, Quý cơ quan có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?

Người hỏi: Ông Đ.V.S (Lai Châu)

TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO

Trả lời câu hỏi của ông Đ.V.S về những kết quả nổi bật trong phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử xin được chia sẻ như sau:

Đến nay, đã có trên 95% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; mạng điện thoại di động đã phủ sóng khắp địa bàn miền núi; có hơn 16.000 điểm giao dịch bưu chính viễn thông, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.

Việc thực hiện phát thanh, truyền hình bằng tiếng DTTS ngày càng được chú trọng, hiện có 67 đài phát thanh, truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và 64 Đài phát thanh, truyền hình địa phương), cùng với gần 100 báo giấy, điện tử và hơn 200 trang thông tin điện tử góp phần thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc. Hệ Phát thanh dân tộc (VOV4) của Đài Tiếng nói Việt Nam, hằng ngày phát 12 chương trình tiếng DTTS; Đài Truyền hình Việt Nam (Kênh VTV5) sản xuất và phát sóng 28 thứ tiếng DTTS với thời lượng 24/24h/ngày; Đài phát thanh, truyền hình các địa phương như: Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên... đều có chương trình phát thanh, truyền hình bằng nhiều thứ tiếng DTTS.... Từ năm 2016-2018, đã chuyển phát 18 loại ấn phẩm báo, tạp chí với số lượng hơn 50 triệu tờ đến các đối tượng thụ hưởng ở vùng đồng bào DTTS&MN. Chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông hiện đại và cung cấp các dịch vụ viễn thông, Internet công ích đến với người dân, hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho các hộ nghèo, cận nghèo... đã góp phần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao mức thụ hưởng văn hóa cho đồng bào DTTS.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS về tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, phong tục, tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống... được quan tâm. Hiện có 03 bảo tàng Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê, trưng bày các giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Giai đoạn 2006-2012, tu bổ, tôn tạo 1.280 di tích vùng đồng bào DTTS&MN. Giai đoạn 2016-2018, có 04 di tích quốc gia đặc biệt, 08 di tích lịch sử-văn hóa-danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào DTTS đã được xếp hạng di tích quốc gia. Đến nay, đã thực hiện được 407 dự án sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam; có 145 di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS được đưa vào Danh mục di sản văn hóa hóa phi vật thể quốc gia. Sau hai đợt xét tặng (năm 2015 và 2019) đã có 559 nghệ nhân là người DTTS được Chủ tịch nước phong tặng/truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước. Công tác bảo tồn, phát triển một số môn thể thao dân tộc, như: Võ cổ truyền; đẩy gậy; vật dân tộc... cơ bản đã đạt mục tiêu; một số vận động viên là người DTTS được tuyển chọn tham gia thi đấu tại các giải thể thao quốc gia, khu vực và thế giới.

Các lễ hội văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn, phát huy. Một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được hạn chế, loại bỏ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS. 

Việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào các DTTS được thực hiện thông qua các hình thức tổ chức ngày hội, giao lưu văn hóa cấp vùng, miền, khu vực, từng dân tộc và các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể; các thư viện địa phương đã có bộ tài liệu phù hợp với đặc điểm dân cư, phong tục tập quán của các dân tộc trên địa bàn; các xuất bản phẩm phục vụ trẻ em DTTS được khuyến khích, hỗ trợ đầu tư; tủ sách cho các thư viện và tủ sách văn hóa dân tộc ở cơ sở được tăng cường các xuất bản phẩm song ngữ bằng tiếng dân tộc và tiếng phổ thông.

Cao Cường