Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số
08:14 AM 17/09/2021 | Lượt xem: 2769 In bài viết |Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số (DTTS), vùng DTTS và miền núi. Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 9 về công tác dân tộc trong tình hình mới, một lần nữa khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục đào tạo trong sự phát triển vùng DTTS và miền núi.
Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm (Ủy ban Dân tộc) UBDT Đỗ Văn Chiến, phát biểu khai mạc tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2020 khẳng định: “Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, chúng ta tin tưởng rằng, lĩnh vực giáo dục đào tạo vùng DTTS và miền núi sẽ có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn trong thời gian tới. Tại diễn đàn này, tôi mong muốn các em được tuyên dương hôm nay không được bằng lòng với kết quả bước đầu đã đạt được; cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để đạt được nhiều kết quả cao hơn nữa, đó chính là hành trang cần thiết cho các em trên hành trình lập thân, lập nghiệp và đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước”; và năm 2020 là năm thứ 8 hoạt động tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu được UBDT chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục-Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức với chủ đề “Đường đến ước mơ”. Lễ vinh danh nhằm tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng cho các em học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS trong phạm vi cả nước thi đua, học tập, phấn đấu trưởng thành về mọi mặt.
Công tác phát triển giáo dục, đào tạo vùng DTTS và miền núi đã có những tiến bộ đáng khích lệ, chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo ngày càng được nâng cao. Quy mô mạng lưới trường lớp ở vùng DTTS và miền núi được củng cố phát triển từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học. Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV đã phê duyệt Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó có dự án thành phần “Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.
Theo báo cáo Tổng kết Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 30/7/2021 của UBDT cho thấy: Hiện toàn vùng DTTS và miền núi có 5.766 trường mầm non; 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99,35%, cấp trung học cơ sở là 92,27%, cấp trung học phổ thông là 63,03%.
Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS cho học sinh trong các trường phổ thông được thực hiện theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP, ngày 15/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay cả nước chính thức triển khai dạy và học 06 thứ tiếng DTTS (Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê) ở 22 tỉnh thành trong cả nước, với quy mô 715 trường, 4.812 lớp, hơn 13 nghìn học sinh. Hiện có 17 tỉnh tổ chức dạy 18 thứ tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức, có 66 lớp học được mở với hơn 3.000 học viên theo học tại các cơ sở giáo dục và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT), bán trú được phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện cho con em DTTS được học tập, ăn ở tại trường, triển khai Đề án củng cố phát triển các trường phổ thông DTTS theo Quyết định số 1640/QĐ-TTg, đã có nhiều lớp học, phòng học mới được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới. Hiện nay, toàn quốc có 316 trường phổ thông DTNT ở 49 tỉnh, thành phố với trên 109.000 học sinh;Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông DTNT ngày càng được nâng lên qua từng năm học.
Chế độ chính sách với người dạy và học tại vùng DTTS và miền núi được quan tâm thực hiện kịp thời, chính sách cử tuyển trong những năm qua đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực tại chỗ cho vùng DTTS và miền núi. Hiện nay, đã có 51/53 DTTS có học sinh cử tuyển. Giai đoạn 2011-2019 cử tuyển 8.681 học sinh, trong đó, đã tốt nghiệp 4.517 người, được bố trí việc làm 1.663 người, chiếm 36,15% số sinh viên đã tốt nghiệp.
Cả nước có 04 trường dự bị Đại học, 01 trường phổ thông DTNT có đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc và 03 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc các trường đại học, đào tạo hơn 5.000 học sinh dự bị/năm. Từ năm học 2009-2010 đến năm học 2018-2019, các trường, khoa dự bị đại học đã tuyển sinh và tổ chức bồi dưỡng cho 34.253 học sinh, tạo nguồn sinh viên DTTS cho các địa phương có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Các chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề người DTTS, được tích cực triển khai thực hiện, đã hỗ trợ đào tạo khoảng trên 1,1 triệu người, chiếm hơn 14% trên tổng số gần 8 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động; Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020 có trên 800 nghìn người DTTS được đào tạo nghề nghiệp, trong đó khoảng 412 nghìn lao động nông thôn là người DTTS được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo chính sách của Đề án 1956/QĐ-TTg. Hiện nay, đang thí điểm tổ chức đặt hàng trình độ trung cấp, cao đẳng nghề với 26 cơ sở đào tạo để đào tạo cho 8.555 lao động là người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp có khó khăn về kinh tế. Ở nhiều địa phương, dạy nghề đã gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm, nhiều người DTTS sau khi được học nghề, bồi dưỡng tay nghề đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, làm giàu tại chỗ.
Với kết quả đạt được trong những năm qua, cho thấy công tác đào đạo nguồn nhân lực người DTTS, vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai, tổ chức thực hiện tốt các đề án, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo; các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện tốt nhất khuyến khích học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS học tập nghiên cứu, rèn luyện, tu dưỡng và phát huy khả năng của mình trong mọi hoàn cảnh, ngày một trưởng thành, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hoàng Nguyệt