Sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi những năm vừa qua

07:34 PM 30/08/2021 |   Lượt xem: 1809 |   In bài viết | 

CÂU HỎI

Trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục đã có nhiều bước tiến mới, đột phá, từng bước tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) vẫn là vùng trũng trong cả nước, khó khăn về mọi mặt. Ngày 12/3/2003, BCH TW Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc. Đến nay, sau 15 năm triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW, Quý cơ quan có thể cho biết một số kết quả đạt được trong sự nghiệp giáo dục ở vùng DTTS&MN?

TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO

Giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN đã có những kết quả đáng khích lệ về cả quy mô mạng lưới và chất lượng. Quy mô, mạng lưới trường lớp ở vùng đồng bào DTTS&MN được mở rộng, phát triển từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học. Hiện có 5.766 trường mầm non và 100% số trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Các tỉnh vùng DTTS đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Năm 2008, 71% xã ĐBKK hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (100%  tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3). Năm 2008, 80% xã ĐBKK hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở (tháng 6/2010, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS và tháng 12/2016, có 100% tỉnh và huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, trong đó có một số tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2). Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99,35%; cấp trung học cơ sở là 92,27%; cấp trung học phổ thông là 63,03%. Tỷ lệ học sinh 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là 89,46%. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, THCS tiếp tục được duy trì, củng cố, là thành tựu nổi bật được ghi nhận tại nhiều diễn đàn quốc tế. 

Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS cho học sinh trong các trường phổ thông được thực hiện theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP, ngày 15/7/2010 của Chính phủ. Hiện nay, cả nước chính thức triển khai dạy và học 06 thứ tiếng DTTS (có chương trình và sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành): Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê trong trường phổ thông ở 22 tỉnh, thành trong cả nước với quy mô 715 trường, 4.812 lớp, hơn 113 nghìn học sinh. Năm 2018, có 18 tiếng DTTS được tổ chức dạy tại 17 tỉnh cho cán bộ, công chức, 66 lớp học được mở với hơn 3 nghìn học viên theo học. Kết quả 100% học viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng đạt yêu cầu đề ra.

Trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30 nghìn người từ 15-60 tuổi mù chữ tham gia học các lớp xóa mù chữ; 25 nghìn người đã được công nhận biết chữ và những người đang học lớp 4, 5 tham gia các lớp học giáo dục tiếp sau khi biết chữ. Theo số liệu thống kê của các địa phương, năm 2018, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-60 của toàn quốc là 97,57%, của người DTTS là 92,55%, đã đạt yêu cầu so với mục tiêu của Đề án xóa mù chữ đến năm 2020.

Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được phát triển ở các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện cho con em DTTS được học tập, ăn ở tại trường. Thực hiện Đề án củng cố phát triển các trường phổ thông DTNT đã có nhiều lớp học, phòng phục vụ học tập được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới. Năm học 2017-2018, toàn quốc có 315 trường phổ thông DTNT ở 49 tỉnh, thành phố với 109.245 học sinh, trong đó, có khoảng 40% số trường phổ thông DTNT được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông DTNT ngày càng được nâng lên qua từng năm học. Trường phổ thông dân tộc bán trú đã được thành lập ở 28 tỉnh, với quy mô 1.097 trường và 185.671 học sinh. Tỷ lệ học sinh bán trú hoàn thành cấp tiểu học đạt 98,9%; cấp THCS đạt 92%. Có 15,2% số trường PTDT bán trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Chế độ, chính sách với người dạy và học tại vùng đồng bào DTTS&MN được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cho vay đi học, hỗ trợ lao động nông thôn học nghề... đã tạo điều kiện cho nhiều học sinh, sinh viên, lao động là người DTTS thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội đến trường, duy trì học tập, học nghề tạo việc làm.

Chất lượng đào tạo hệ cử tuyển trong những năm qua đã được nâng lên, góp phần bổ sung nguồn nhân lực tại chỗ cho vùng đồng bào DTTS&MN. Hiện nay, đã có 50/53 DTTS có học sinh cử tuyển, một số DTTS có học sinh cử tuyển nhiều, như Thái, Khmer, Mông, Dao...Giai đoạn 2006-2011 đã đào tạo cử tuyển 12.812 học sinh; giai đoạn 2011-2017 cử tuyển 8.681 học sinh; trong đó, đã tốt nghiệp 4.517 người, được bố trí việc làm 1.663 người (chiếm 36,15% số sinh viên đã tốt nghiệp).

Cả nước có 04 trường dự bị đại học, 01 trường phổ thông DTNT đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc và 03 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc các trường đại học, đào tạo hơn 5.000 học sinh dự bị/năm. Từ năm học 2009-2010 đến năm học 2017-2018, các trường, khoa dự bị đại học đã tuyển sinh và tổ chức bồi dưỡng cho 34.253 học sinh, tạo nguồn sinh viên DTTS cho các địa phương có điều kiện KT-XH ĐBKK.

Các chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề người DTTS  đã hỗ trợ đào tạo khoảng trên 1,1 triệu người, chiếm hơn 14 % trên tổng số gần 8 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động. Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2016 đã hỗ trợ học nghề cho hơn 690 nghìn người DTTS. Giai đoạn 2016-2018, có trên 800 nghìn người DTTS được đào tạo nghề nghiệp các cấp trình độ, trong đó khoảng 412 nghìn lao động nông thôn là người DTTS được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo chính sách của Đề án 1956/QĐ-TTg. Hiện nay, đang thí điểm tổ chức đặt hàng trình độ trung cấp, cao đẳng nghề với 26 cơ sở đào tạo cho 8.555 lao động là người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp có khó khăn về kinh tế. Ở nhiều địa phương, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm, nhiều người khi được học nghề đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, làm giàu tại chỗ.

Tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm (ổn định và từng bước ổn định) khoảng 86,1%.

Xuất khẩu lao động có chuyển biến tích cực, là hướng đi quan trọng trong chương trình giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho lao động vùng DTTS&MN. Các địa phương đã thực hiện đồng bộ các chính sách như vay vốn, hỗ trợ kinh phí học nghề, giáo dục định hướng, làm các thủ tục xuất nhập cảnh... tạo điều kiện cho lao động người DTTS xuất khẩu lao động. Giai đoạn 2009-2015 đã có 15.600 lượt nghười lao động thuộc 64 huyện nghèo tham gia đào tạo để đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có gần 6.200 lượt người đã đi làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Trung Đông và Bắc Phi. Trong giai đoạn 2016-2018, đã có 4.620 lượt lao động thuộc các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được hỗ trợ để đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 2.117 lao động xuất cảnh sang làm việc tại các nước tiếp nhận lao động.

Bên cạnh đó, chất lượng văn hóa, chất lượng nguồn nhân lực ở vùng đồng bào DTTS&MN vẫn còn hạn chế; lao động qua đào tạo trong các DTTS chỉ khoảng 5-10%; vẫn còn khoảng 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt; số người không biết nói tiếng dân tộc của mình ngày càng tăng; bản sắc văn hóa một số dân tộc đang dần mai một. Tỷ lệ tảo hôn chung của 53 DTTS là 26,6%, trong đó có 40 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên; có 13 DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 50%. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống ở một số DTTS còn cao, bình quân 6,5%.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS còn khó khăn. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở vùng đồng bào DTTS&MN còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu, chưa gắn với nhu cầu của xã hội. Tình trạng thiếu việc làm của thanh niên DTTS đang là vấn đề bức xúc, tỷ lệ thất nghiệp 5,76%, cao gấp 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của cả nước (2,34%). Trình độ chuyên môn kỹ thuật, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp và phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc còn hạn chế nên khó tiếp cận các dịch vụ việc làm, nhất là làm việc ở nước ngoài. Còn hiện tượng người lao động các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia xuất cảnh đi lao động tự do, bất hợp pháp, tiềm ẩn rủi ro về an ninh, trật tự xã hội và an toàn của người lao động.

Cao Cường