Tăng tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận với nước sạch một cách bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa

04:32 PM 11/09/2021 |   Lượt xem: 2057 |   In bài viết | 

Chất lượng nguồn nước sinh hoạt của hộ gia đình DTTS ngày được nâng cao.

Từ nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn qua 3 giai đoạn, từ năm 1998 đến năm 2015, Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình 30a… và sự đóng góp của các tổ chức quốc tế, lĩnh vực nước sạch nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đến nay, cả nước hiện có 88,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 51% dân số nông thôn (khoảng 33 triệu người) sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 41% và cấp nước quy mô hộ gia đình đạt 10%.

Các vùng có tỷ lệ cao về dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn (trên 60%) gồm: Đồng bằng sông Hồng (67%), Đông Nam bộ (65%), Đồng bằng sông Cửu Long (67%). Các vùng có tỷ lệ thấp về dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn (dưới 30%) gồm miền núi phía Bắc (29%) và Tây Nguyên (28%).

Toàn quốc hiện có 16.573 công trình cấp nước tập trung nông thôn phục vụ cấp nước sinh hoạt cho 28,3 triệu người (44% tổng dân số nông thôn). Trong đó, hoạt động bền vững chiếm 33,1%, tương đối bền vững chiếm 35,3%, kém bền vững chiếm 17%; không hoạt động chiếm 14,6%. Các công trình hoạt động bền vững và tương đối bền vững chiếm tỷ lệ 68,4% tập trung chủ yếu tại các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi các công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động chiếm tỷ lệ 31,6% tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc (35%), Bắc Trung bộ (35%), Nam Trung bộ (44%) và Tây Nguyên (48%).

Công tác cấp nước sạch nông thôn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể: từ năm 1999 mới có 32% dân số nông thôn được tiếp cận với nước hợp vệ sinh (HVS), 15% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thì đến nay đã có 88,5% dân số nông thôn được sử dụng nước HVS, trong đó hơn 51% được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.

Tuy nhiên, một số cơ chế chính sách còn chậm ban hành, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với tính chất đặc thù của lĩnh vực cấp nước nông thôn, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, miền núi, bãi ngang, ven biển, hải đảo, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm dần, nguồn lực huy động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp còn hạn chế, mức tín dụng ưu đãi cho hộ gia đình vay vốn đầu tư xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh còn thấp, chưa phù hợp... Số công trình cấp nước tập trung hư hỏng, kém hiệu quả chiếm tỷ lệ khá cao (31,6%); các công trình đang hoạt động tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Cả nước vẫn còn hơn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Trong khi đó, tại một số nơi ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước, cụ thể: vùng miền núi phía Bắc đạt 31%, vùng Tây Nguyên đạt 26,6% so với mức trung bình 51% của cả nước.

Để tiếp tục phát huy thành tựu đã đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đồng thời chủ động vượt qua các khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới, việc xây dựng “Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025” là rất cần thiết nhằm mục đích vừa đảm bảo cấp nước phục vụ an sinh xã hội, vừa phát triển theo xu hướng thị trường đảm bảo ổn định, bền vững trong điều kiện thiên tai, biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu cấp nước đến năm 2025 đảm bảo 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung lên 51%.

Để thực hiện mục tiêu trên, Đề án xác định hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật; Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý vận hành công trình sau đầu tư tại các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa... Ưu tiên nguồn lực đầu tư cấp nước sinh hoạt cho vùng khó khăn, đảm bảo cơ chế ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước quy mô hộ gia đình tại các vùng khó khăn chưa thể đầu tư cấp nước tập trung và triển khai mạnh mẽ công tác xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, tư nhân tham gia đầu tư, quản lý vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn...

Trên nguyên tắc ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn, cùng với ngân sách Trung ương, nguồn lực để triển khai Đề án được huy động từ nguồn vốn bố trí hàng năm của ngân sách địa phương cho Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới, Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình MTQG Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững và lồng ghép từ các chương trình, dự án khác có liên quan.

Cao Cường