Tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
08:27 AM 15/09/2021 | Lượt xem: 1838 In bài viết |CÂU HỎI
Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc có vai trò quan trọng trong việc góp phần tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Xin quý cơ quan cho biết công tác triển khai và kết quả đạt được trong những năm qua?
TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến vùng DTTS&MN thuộc thẩm quyền của Quốc hội khóa XV, Ủy ban Dân tộc phối hợp tốt với các bộ, cơ quan ngang bộ đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định. Theo kết quả rà soát, tổng số văn bản pháp luật có quy định liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc hiện nay là 324 văn bản, bao gồm: 6 điều khoản trong Hiến pháp 2013, 85 luật, bộ luật, 05 nghị quyết của Quốc hội, 01 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 52 nghị định của Chính phủ, 11 nghị quyết của Chính phủ, 01 nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 118 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 49 thông tư liên tịch, 2 quyết định của Bộ trưởng.
Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực dân tộc những năm qua đã bám sát nguyên tắc, yêu cầu của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 là “các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển”, tránh tư tưởng dân tộc lớn, tư tưởng hẹp hòi dân tộc, tư tưởng tự ti dân tộc, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho đồng bào các dân tộc.
Hiến pháp năm 2013 tiếp tục thể hiện những yêu cầu đổi mới về chính sách dân tộc với quy định: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc; phát huy phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình; Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.
Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật đã bao phủ khá toàn diện các lĩnh vực và phù hợp hơn với thực tế, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, dân số, văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS&MN.
Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban Dân tộc đang tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp xây dựng báo cáo thẩm định Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV những nội dung liên quan đến vùng DTTS&MN.
Qua rà soát, Ủy ban Dân tộc phát hiện 10 văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, 19 văn bản có nội dung không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt có 19 chính sách chưa được ghi nhận hoặc chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật, phần lớn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, chính sách đặc thù với cán bộ người dân tộc thiểu số, văn hóa, thể thao…
Các chính sách chưa được ghi nhận hoặc chưa được quy định cụ thể gồm: tiêu chí xác định thành phần dân tộc, danh mục thành phần dân tộc Việt Nam; cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cơ chế, chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách, cơ chế đặc thù trong nâng ngạch đối với công chức người dân tộc thiểu số, tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù trong bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số; chính sách thu hút trọng dụng nhân tài là người dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số học xóa mù chữ, học chương trình THCS và THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên; chính sách hỗ trợ học viên người dân tộc thiểu số học nghề, học văn hóa tại các cơ sở giáo dục thường xuyên; chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số trong các nhóm dân tộc có nguồn nhân lực thấp học cao học, nghiên cứu sinh…
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc thẩm quyền của Quốc hội khóa XV, với trách nhiệm tham mưu chương trình xây dựng pháp luật chuyên ngành, Ủy ban Dân tộc dự kiến tập trung nghiên cứu sự cần thiết ban hành Luật Dân tộc, làm rõ nội hàm, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng nhằm điều chỉnh toàn diện, đầy đủ các chính sách dân tộc, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về dân tộc và chính sách dân tộc.
Bên cạnh đó, phối hợp tốt với các bộ, cơ quan ngang bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản theo thẩm quyền và đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Cao Cường