Tình hình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW
09:00 AM 20/08/2021 | Lượt xem: 2051 In bài viết |Mặc dù nguồn lực còn khó khăn nhưng Chính phủ đã ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, giai đoạn 2003-2008 khoảng 250 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 là 690 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 998 nghìn tỷ đồng để xây dựng hàng vạn công trình hạ tầng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, chủ yếu là giao thông, điện, thủy lợi, các công trình nước sạch, trường, lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa, mạng lưới chợ... Hệ thống đường giao thông đến trung tâm các xã hầu hết được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Nhiều trường, lớp học, trạm y tế xã được xây dựng mới, kiên cố hóa, mua sắm thêm trang thiết bị thiết yếu phục vụ dạy và học, khám chữa bệnh. Kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện. Đến nay, 100% huyện có đường đến trung tâm huyện; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã (năm 2008: 96%); 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 93,9% (năm 2008: trên 70%); 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3 % xã có trạm y tế; gần 100% số xã có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa...
Các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), các chương trình hỗ trợ có mục tiêu về y tế, văn hóa, xã hội; các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm...; hỗ trợ máy móc thiết bị, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi; giao đất, giao rừng; khuyến nông, khuyến lâm... được quan tâm triển khai thực hiện, nhờ đó, kinh tế của vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng được tăng cường; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; ngành nông nghiệp chuyển dần theo hướng gắn với thị trường; khoa học kỹ thuật và công nghệ được chuyển giao tích cực hơn, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả; cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước thay đổi. Nhiều địa phương đã nâng cao được giá trị sản phẩm gắn với đặc điểm, thế mạnh của vùng; các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch danh thắng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa đã khởi sắc và phát triển.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đồng bào DTTS và miền núi những năm gần đây đạt mức khá cao, giai đoạn 2016-2018 đạt bình quân trên 7% và tăng dần hằng năm, cao hơn bình quân chung cả nước (năm 2016 tăng 6,67%; năm 2017 6,89%; năm 2018, 7,56%); năm 2018, 21/52 địa phương có tốc độ tăng trưởng đạt trên 8%. Đời sống của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; bình quân toàn vùng giảm 2-3%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm, các huyện nghèo giảm 5-6%/năm. Giai đoạn 2015-2018 có 8/64 huyện nghèo, 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 đã thoát khỏi tình trạng khó khăn, 124/2.139 xã và 1.322/20.176 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135.
Hội thảo “Công tác thể chế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ngày 08/8/2019.
Sau 8 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn cả nước nói chung và vùng DTTS nói riêng đã có sự thay đổi rõ rệt. Giai đoạn 2011-2015 đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2018 huy động được 820.674 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Đến hết năm 2018, cả nước có 3.838 xã (đạt 43,02%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,57 tiêu chí/xã; số xã dưới 05 tiêu chí còn 10 xã, giảm 103 xã so với năm 2017, tập trung vào các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi (Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Kon Tum). Điều đáng ghi nhận là, vùng đồng bào DTTS và miền núi có 1.052/5.266 xã (chiếm 22,29% số xã của vùng) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 106/2.139 xã đặc biệt khó khăn; trong 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn nông thôn mới có 27 đơn vị cấp huyện thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trên địa bàn các tỉnh vùng DTTS và miền núi, từ năm 2003-2016 đã hỗ trợ đất ở cho 93.664 hộ, đất sản xuất cho 107.827 hộ và giải quyết nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ đồng bào DTTS.
Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và cấp nước nông thôn tại 21 tỉnh đang thực hiện cùng với các chương trình, dự án khác đã xây dựng và nâng cấp hơn 16.300 công trình nước sạch, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 88,5%, tăng 12,5% so với năm 2008; tỷ lệ hộ dùng hố xí hợp vệ sinh tăng từ 55,2% (năm 2008) lên 85,2% (năm 2017).
Đến 2018, cả nước có 197 dự án thủy lợi, thủy điện có hợp phần di dân, tái định cư, với tổng số 94.323 hộ, trong đó có 93 dự án thuỷ điện với 81.693 hộ tái định cư, 355.243 nhân khẩu và 104 dự án thuỷ lợi với 12.630 hộ tái định cư, 50.955 nhân khẩu. Đến hết năm 2017, cả nước đã tổ chức di dời được 86.450 hộ (đạt 91,65%) với 374.562 nhân khẩu.
Tổng diện tích rừng đã giao 805.559 ha cho 12.095 cộng đồng DTTS và 936.135 ha cho 439.374 hộ gia đình DTTS. Lợi nhuận của các hộ chủ rừng tham gia mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi sản phẩm tăng thêm từ 25-30% trong giai đoạn 2013-2017. Chính sách hỗ trợ gạo cho bảo vệ và phát triển rừng đã hỗ trợ 93.224 tấn trong giai đoạn 2016-2018 góp phần nâng cao mức sống, giúp người dân gắn bó với rừng, phát huy tính cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng. Năm 2018, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65% (năm 2004 đạt 36,7%, năm 2008 đạt 38,7%). Tình trạng phá rừng, khai thác trái phép trên quy mô lớn cơ bản được kiềm chế, giảm bớt các điểm nóng.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh tham gia Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW làm việc tại xã Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu, tháng 3/2019.
Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS đã giúp 16.742 hộ ổn định cuộc sống với nguồn kinh phí ngân sách Trung ương 2.717 tỷ đồng và kinh phí lồng ghép từ các chương trình khác. Đến hết năm 2012, các dự án của Bộ Quốc phòng tham gia tổ chức di dân, sắp xếp ổn định dân cư, đã xây dựng được 276 điểm dân cư mới, chủ yếu là khu vực biên giới, hoàn thành việc đỡ đầu, đón nhận được trên 100.000 hộ dân.
Trong những năm qua, tình hình dân di cư tự do xảy ra ở nhiều nơi trong phạm vi cả nước nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động và đẩy mạnh phát triển sinh kế ở đầu đi nên đã có xu hướng giảm mạnh trong thời gian gần đây. Đặc biệt, số lượng người dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh Tây Nguyên đã giảm rõ rệt. Từ năm 2005-2017, tổng số hộ dân di cư tự do đến địa bàn các tỉnh khoảng 66.738 hộ, trong đó, vùng Tây Bắc là 5.811 hộ (bao gồm 2.253 hộ dân di cư tự do đến huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), Tây Nguyên là 58.846 hộ và Tây Nam bộ là 2.081 hộ. Đến hết năm 2017, đã thực hiện bố trí, sắp xếp theo quy hoạch và người dân tự ổn định được 42.237/66.738 hộ (đạt 63,3%). Riêng giai đoạn 2013-2017, bố trí, sắp xếp cho 17.510 hộ vào các điểm dân cư theo quy hoạch. Các địa phương đã lập, phê duyệt được 65 dự án, trong đó 11 dự án đã hoàn thành, 39 dự án đang thực hiện và 15 dự án chưa thực hiện. Đã có 3.020 hộ dân di cư tự do tại các tỉnh Tây Nguyên được đăng ký tạm trú, tạm vắng, nhập hộ khẩu thường trú để địa phương quản lý.
Tại 5 tỉnh Tây Nguyên còn khoảng 52.940 hộ thiếu đất sản xuất (chủ yếu là hộ DTTS, di cư tự do) với diện tích cần khoảng 24.075 ha. Toàn vùng đã rà soát, xác định được 490 khu vực với tổng diện tích khoảng 17.095 ha có khả năng bố trí đất sản xuất cho đồng bào DTTS, di cư tự do (bằng 54,5% nhu cầu), trong đó, xây dựng phương án bố trí trực tiếp đất sản xuất tại 480 khu vực cho 27.783 hộ với diện tích 16.891 ha. Đã có 7.640 hộ được hỗ trợ bằng tiền, 4.180 hộ được hỗ trợ bằng hình thức chuyển đổi nghề nghiệp và 18.168 hộ được hỗ trợ bằng hình thức khác. Qua rà soát, sắp xếp giữ lại 108/202 công ty nông, lâm trường với diện tích đất 935.120 ha; việc sử dụng đất của các công ty nông, lâm trường ở Tây Nguyên được hiệu quả hơn, tình trạng lấn chiếm và tranh chấp đất đai từng bước được giải quyết.
Thực hiện Đề án 79 về “Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển KT-XH đảm bảo quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên”, đã bố trí, sắp xếp vào các điểm dân cư theo quy hoạch là 1.647 hộ/2.253 hộ, thành lập 32 bản mới và bố trí xen ghép vào 06 bản ổn định. Số còn lại đang sống phân tán, chưa được bố trí, sắp xếp vào các điểm dân cư, hiện nay đang tuyên truyền, vận động đồng bào quay trở về nơi ở cũ.
Xuân Thắng