Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua

07:35 PM 30/08/2021 |   Lượt xem: 3000 |   In bài viết | 

CÂU HỎI

Trong tất cả những chính sách dân tộc thì các chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được Đảng, Nhà nước ta và cơ quan chức năng các cấp chú trọng. Quý cơ quan Ủy ban Dân tộc có thể chia sẻ về một số kết quả nổi bật trong sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS và miền núi những năm gần đây?

Người hỏi: Chị L.T.N (Hà Giang)

TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO

Trả lời câu hỏi của chị L.T.N ở Hà Giang, Ban Biên tập xin chia sẻ như sau:

Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các DTTS luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, chú trọng thông qua việc triển khai nhiều chính sách về lĩnh vực này. Năm 2003, BCH Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 về Công tác dân tộc, đây là chủ trương lớn, toàn diện. Trong đó việc phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đặc biệt chú trọng. Qua 15 năm triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW, Đảng ta đã đạt được một số kết quả như sau:

Mạng lưới y tế cơ sở vùng đồng bào DTTS&MN; cơ sở vật chất và đội ngũ y, bác sỹ về cơ bản đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khoẻ. Đến năm 2018, cả nước có 98,4% số xã có trạm y tế hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân; 96% số thôn bản có nhân viên y tế thôn bản, 90% số xã có bác sỹ làm việc, hơn 95% số xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh; 76% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Người nghèo, đồng bào DTTS, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới ngày càng có thêm cơ hội tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, ban đầu.

Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho đồng bào DTTS ở vùng khó khăn. Tỷ lệ người DTTS có thẻ BHYT và thẻ khám, chữa bệnh miễn phí tăng từ 8% (năm 1998) lên 80% (năm 2013), tại các xã đặc biệt khó khăn là 84% (cao hơn tỷ lệ trung bình cả nước khoảng 72,3%). Năm 2018, có hơn 6,6 triệu người nghèo DTTS được cấp thẻ BHYT, chiếm 69,96% người DTTS (Phụ lục số 19). Các tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, tỷ lệ người dân có BHYT cao. Tuy nhiên, số lượng người khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT và chất lượng tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Các chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh con đúng chính sách dân số, chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản được triển khai thực hiện. Năm 2017 có 27.604 phụ nữ thuộc hộ nghèo là đồng bào DTTS sinh con được hỗ trợ theo Nghị định 39/2015/NĐ-CP; hiện nay có 1.737 cô đỡ thôn bản đang hoạt động tại 8.165 thôn bản khó khăn làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, quản lý thai nghén và đỡ đẻ sạch, đẻ an toàn, thực hiện vai trò là cầu nối giữa y tế xã với người dân. Nhờ vậy, chất lượng công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình từng bước được nâng lên; các chỉ số về sức khỏe sinh sản cho đồng bào vùng sâu, vùng xa được cải thiện; tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 90%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm hằng năm.

Từ năm 2016, có 410 trạm y tế, phòng khám quân dân y thuộc các xã vùng sâu, vùng xa tham gia khám, chữa bệnh cho đồng bào DTTS; tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng “Làng văn hóa sức khỏe”, nếp sống vệ sinh khoa học, bài trừ hủ tục, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện Chương trình dân số-kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt, 152 phòng khám quân dân y tại các đồn Biên phòng dọc tuyến biên giới là “cánh tay nối dài” của các trạm y tế xã đến tận buôn, làng, thôn, bản góp phần tích cực cho chăm sóc sức khoẻ người dân.

Bên cạnh đó, hiện còn 30,8% trạm y tế xã chưa có bác sỹ; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao (Năm 2016, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi người DTTS suy dinh dưỡng thấp còi là 32,1%, cao gấp 2 lần so với trẻ em người Kinh (16.2%)); tỷ lệ người dân sử dụng thẻ BHYT khám, chữa bệnh thấp, chỉ đạt 44,8%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám định kỳ mới đạt 71%; tỷ lệ sinh con tại nhà 36,3%...; khó có cơ hội để tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao, bác sĩ giỏi.

Cao Cường