Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Ủy ban Dân tộc quan tâm, triển khai như thế nào?

04:19 PM 24/08/2021 |   Lượt xem: 1421 |   In bài viết | 

CÂU HỎI

Trong những năm qua, việc nâng cao nhận thức pháp luật trong vùng đồng bào vùng DTTS và miền núi được Ủy ban Dân tộc quan tâm thực hiện như thế nào?

TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO

Với mục tiêu tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước; thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, ngày 08/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2021.

Triển khai các nội dung của Đề án 1163 và các nhiệm vụ theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện Đề án 1163 với một số nội dung như: xây dựng kế hoạch, nội dung, hình thức, mô hình PBGDPL, tổ chức lồng ghép với các chương trình, đề án liên quan...

Ủy ban Dân tộc đã tổ chức khảo sát thực tế, nắm bắt tình hình, đánh giá nhu cầu để lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách dân tộc, mô hình PBGDPL phù hợp với đối tượng là đồng bào vùng DTTS và miền núi. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động lồng ghép thực hiện công tác PBGDPL với các chương trình, đề án, dự án như: Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025; Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025; công tác PBGDPL về bảo vệ và phát triển rừng trong vùng đồng bào DTTS theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững 2016-2020; Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025; Đề án Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo; Đề án Tuyên truyền giáo dục, củng cố tăng cường tình hữu nghị của cộng đồng các DTTS dọc tuyến biên giới Việt Nam- Lào và Việt Nam-Campuchia, nhất là chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện Quyết định số 59/QĐ-TTg và Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tuyên truyền nội dung và kết quả triển khai thực hiện Đề án 1163 đến cơ sở; xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền các nội dung của Đề án, tập trung tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đến đồng bào vùng DTTS và miền núi đảm bảo hiệu quả.

Triển khai Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức 94 hội nghị, lớp tập huấn cho 9.688 lượt cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp, người có uy tín và đồng bào DTTS; tổ chức 14 hội thảo với 1.950 lượt người tham gia để chia sẻ, trao đổi những bài học kinh nghiệm trong xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, thực thi chính sách dân tộc; tổ chức 04 cuộc thi tìm hiểu pháp luật; phối hợp xây dựng 02 chương trình truyền hình, 03 chương trình phát thanh, sản xuất 02 bộ băng đĩa phục vụ chiếu bóng lưu động; xây dựng 43 mô hình điểm ở xã về PBGDPL; tổ chức biên soạn, phát hành 8.230 cuốn sách, số tay, hơn 80.000 tờ rơi, tờ gấp tiếng Việt và tiếng DTTS, 5.000 pa nô, áp phích; xây dựng các chuyên trang tuyên truyền... Các nội dung tập trung tuyên truyền về: chính sách và pháp luật, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thúc đẩy bình đẳng giới; bảo vệ môi trường; phòng chống dịch bệnh; phòng chống ma túy, HIV/AIDS... với nhiều tài liệu song ngữ, phù hợp với văn hóa, tập quán của đồng bào.

Tại các địa phương, ngoài việc quan tâm, bố trí kinh phí hoặc lồng ghép các nguồn lực để triển khai PBGDPL, công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được đặc biệt coi trọng. Qua thống kê chưa đầy đủ, hiện nay các địa phương có 1.137 báo cáo viên cấp tỉnh, 1.752 báo cáo viên cấp huyện và 13.115 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS.

Giai đoạn 2017-2021, triển khai Đề án 1163, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức 25 hội nghị, lớp tập huấn; 06 hội thảo; phối hợp xây dựng 40 chương trình truyền hình, 32 chương trình phát thanh; xây dựng và duy trì 11 mô hình PBGDPL, tuyên truyền vận động đồng bào DTTS tại các xã; biên soạn, phát hành gần 20.000 cuốn sách, sổ tay kỹ năng, hỏi đáp pháp luật song ngữ; cung cấp hơn 13.900 sách pháp luật; 34.000 tờ rơi, tờ gấp...

Tiểu phẩm kịch ngắn "Nghèo đến bao giờ" của đội thi đến từ Đồng Nai, trong khuôn khổ Hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật giảm nghèo bền vững vùng DTTS khu vực Nam bộ năm 2020.

Các địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Quyết định 1163/QĐ-TTg khá toàn diện, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhiều địa phương có cách làm sáng tạo để kịp thời PBGDPL, chính sách dân tộc đến với đồng bào DTTS. Cụ thể: Tổ chức 348.016 hội nghị cho gần 10 triệu lượt người tham dự; 931 hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật; xây dựng và phát sóng 36.487 chương trình truyền hình, 95.679 chương trình phát thanh (bao gồm cả chương trình tiếng DTTS); in và cung cấp 2.459.866 sách, sổ tay pháp luật, 1.780.791 tờ rơi, tờ gấp, 47.015 pa nô, băng rôn... Ngoài ra, triển khai tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với gần 150 nghìn tin, bài. Bên cạnh các hoạt động tôn vinh và nêu gương các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, một số địa phương đã có cách làm sáng tạo trong việc lồng ghép nội dung BPGDPL và tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS.

Nhìn chung, công tác PBGDPL thời gian qua đã được triển khai thực hiện có hệ thống, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các nhiệm vụ của Đề án, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới; với nhiều hình thức phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng miền; nội dung thiết thực, hiệu quả, từng bước đáp ứng được yêu cầu thực tế, bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân, từng bước nâng cao nhận thức pháp luật, xây dựng ý thức, lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chủ động phát huy vai trò, trách nhiệm trong triển khai thực hiện công tác PBGDPL; thiếu đội ngũ báo cáo viên biết ngôn ngữ DTTS, có kỹ năng, nghiệp vụ, hiểu biết văn hóa, tập quán của đồng bào; việc đổi mới hình thức, ứng dụng công nghệ thông tin chưa hiệu quả; kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị có nơi chưa đáp ứng yêu cầu...

Giải pháp đẩy mạnh công tác PBGDPL vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác PBGDPL, Ủy ban Dân tộc xác định cần chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức PBGDPL, đảm bảo linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực cụ thể; gắn với công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá chính xác yêu cầu, nội dung, hình thức; nhân rộng các mô hình điểm đã triển khai thành công; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội trên Internet; tăng cường các biện pháp phối hợp; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá; đẩy mạnh công tác xã hội hóa; hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác PBGDPL như Chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng DTTS, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng DTTS tham gia công tác PBGDPL...

Ngoài ra, để phát huy hiệu quả công tác PBGDPL, cần tăng cường triển khai và lồng ghép có hiệu quả vào các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, vận động vùng đồng bào DTTS và miền núi; ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi... trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Cao Cường