Ủy ban Dân tộc tăng cường tiếp cận thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo được triển khai như thế nào?
09:45 PM 22/08/2021 | Lượt xem: 1537 In bài viết |CÂU HỎI
Xin Quý cơ quan cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo được tạo điều kiện như thế nào trong việc tiếp cận thông tin?
TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO
Để cụ thể hóa và quy định chi tiết các biện pháp thi hành của Luật Tiếp cận thông tin, ngày 23/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2018/NĐ-CP, nêu rõ các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Nghị định nêu rõ, có 06 hình thức, gồm: Thông qua Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; qua hệ thống phát thanh, truyền hình, đặc biệt là các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc; Xây dựng tài liệu chuyên đề, tờ rơi, ấn phẩm, trong trường hợp cần thiết và khả thi thì có thể được chuyển tải bằng ngôn ngữ dân tộc; Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng để chia sẻ thông tin cho công dân, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động cung cấp thông tin; Lồng ghép hoạt động cung cấp thông tin trong các sự kiện văn hóa - chính trị, trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông các chính sách mới; Tăng thời lượng truyền, phát bản tin đối với loại thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của người dân sinh sống tại khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Triển khai các nhiệm vụ được phân công, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Tiếp cận thông tin, thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các Vụ, đơn vị trực thuộc kịp thời công khai các thông tin theo quy định. Ủy ban Dân tộc đã tổ chức 01 hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP cho công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban Dân tộc để kịp thời tham mưu, đề xuất các hình thức công khai thông tin phù hợp với người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Cùng với việc ban hành các nội quy, quy chế có liên quan, Ủy ban Dân tộc đã ban hành: Quy chế quản lý, sử dụng và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử; Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Quy chế quản lý, sử dụng và khai thác hệ thống thông tin tổng thể của Ủy ban Dân tộc... Ủy ban Dân tộc đã triển khai thực hiện đăng tải công khai, cung cấp các thông tin trên Cổng Thông tin điện tử, nhất là các văn bản pháp luật, chính sách dân tộc để tổ chức, cá nhân và đồng bào vùng DTTS tiếp cận và khai thác thông tin. Ngoài các mục tin tức về tình hình hoạt động, thông tin thường xuyên được cập nhật tại các chuyên mục như: Cơ sở dữ liệu văn bản chính sách; Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; Tiếp cận thông tin; Công khai ngân sách... Hàng tuần, Bản tin tham khảo nội bộ (phiên bản điện tử) về tình hình công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương đã góp phần truyền tải các văn bản, chính sách mới và những thắc mắc, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã được cung cấp cho các Cơ quan làm công tác dân tộc tại địa phương.
Ủy ban Dân tộc chỉ đạo Báo Dân tộc và Phát triển, Tạp chí Dân tộc thường xuyên cung cáp thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; đấu tranh kịp thời phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta trên Báo điện tử, Báo in và Tạp chí để cơ quan, tổ chức, cá nhân và đồng bào DTTS được tiếp cận đầy đủ, kịp thời, chính xác.
Ủy ban Dân tộc cũng chỉ đạo các cơ quan báo chí cung cấp thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc thông qua thực hiện Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 16/01/2017 và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ "Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn". Giai đoạn 2018 - 2020, đã có 868.117 số lượng tin bài và ảnh tuyên truyền được đăng tải trên các báo, tạp chí. Ở cấp xã, thôn, bản: các ấn phẩm báo, tạp chí được lưu giữ tại điểm bưu điện văn hóa xã, nhà trưởng thôn/bản, người có uy tín; các thông tin trên báo chí được chọn lọc, biên dịch và phát sóng trên hệ thống truyền thanh của xã. Ấn phẩm cấp cho các trường tiểu học và trung học cơ sở được nhà trường quản lý và làm tài liệu sinh hoạt đầu giờ học, lưu giữ trong thư viện của trường, giúp học sinh có thêm kênh thông tin để mở mang kiến thức, tăng cường kỹ năng tiếng Việt, nhất là đối với học sinh DTTS vùng sâu, vùng xa. Ấn phẩm cấp cho người có uy tín, vừa cung cấp thông tin, kiến thức, nâng cao nhận thức, vừa làm tài liệu tuyên truyền, giải thích điều hay, lẽ phải, nêu gương người tốt, việc tốt, đoàn kết, xóa đói giảm nghèo, xây dựng thôn xóm văn minh, giàu đẹp. Nhìn chung, các báo, tạp chí đã bám sát và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và của Ủy ban Dân tộc, góp phần cung cấp thông tin, tuyên truyền vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong 3 năm qua, Ủy ban Dân tộc đã chủ động cung cấp thông tin thông qua các hoạt động triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách tại vùng DTTS và miền núi, như: Đề án Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021; Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025; Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025; Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025; Đề án Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo; Đề án Tuyên truyền giáo dục, củng cố tăng cường tình hữu nghị của cộng đồng các DTTS dọc tuyến biên giới Việt Nam-Lào và Việt Nam-Campuchia”; Dự án 4 “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”; Chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; các dự án bảo vệ môi trường, dự án tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm, chống trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy, chống mua bán người, chấp hành pháp luật về an toàn giao thông...để kịp thời cung cấp thông tin pháp luật, chính sách dân tộc cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Một số kết quả nổi bật như sau: Tổ chức 102 hội nghị, lớp tập huấn cho 10.878 lượt cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp, người có uy tín và đồng bào DTTS; Tổ chức 19 hội thảo với 2.470 lượt người tham gia; Tổ chức 04 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 1.750 lượt người tham dự; Phối hợp với Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam sản xuất, phát sóng 02 chương trình truyền hình, 03 chương trình phát thanh; Xây dựng, duy trì hoạt động của 49 mô hình điểm ở xã; Tổ chức biên soạn, phát hành sách, số tay với số lượng 13.930 cuốn bằng tiếng Việt, 6.500 cuốn song ngữ tiếng Việt - tiếng DTTS; tờ rơi, tờ gấp với số lượng 65.000 tờ tiếng Việt, 20.000 tờ tiếng DTTS; Sản xuất 02 bộ băng, đĩa để chiếu bóng lưu động; tuyên truyền bằng pa nô, áp phích với số lượng 5.000 cái; cung cấp hơn 13.900 đầu sách pháp luật... để kịp thời cung cấp những thông tin pháp luật cơ bản nhất đến với đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Luật Tiếp cận thông tin đã quy định cụ thể về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân... tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và góp phần nâng cao tính minh bạch trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, các hình thức công khai thông tin cho đồng bào DTTS chưa phong phú, đa dạng, chưa phát huy được các hình thức phù hợp với đồng bào DTTS. Trong khi đó, đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu bảo đảm điều kiện để người dân tiếp cận được thông tin; đời sống của đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí và nhận thức về quyền được tiếp cận thông tin còn hạn chế... nên chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin.
Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành văn bản quy định chỉ tiết, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Tiếp cận thông tin theo hướng quy định cụ thể các biện pháp hỗ trợ, đảm bảo để người DTTS chủ động thực hiện quyền tiếp cận thông tin; quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc lựa chọn hình thức công khai thông tin phù hợp với đồng bào DTTS; quy định các thủ tục pháp lý thuận tiện, cơ chế, chính sách miễn, giảm chi phí hoặc hỗ trợ chi phí tiếp cận thông tin; hỗ trợ người DTTS tiếp cận thông tin pháp luật và các thông báo về lợi ích công cộng bằng ngôn ngữ của họ; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về quyền tiếp cận thông tin cho người dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi... đảm bảo triển khai thực hiện tốt nguyên tắc “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin”.
Xuân Thường