Phát triển du lịch bền vững dựa trên giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số
05:05 PM 18/09/2021 | Lượt xem: 6889 In bài viết |Đối với người dân địa phương, du lịch không chỉ tác động đến kinh tế mà còn đến cuộc sống cá nhân nơi đây. Du lịch cũng có những tác động đến truyền thống và văn hoá cũng như sinh kế của họ. Du lịch cộng đồng được coi là loại hình du lịch mang lại sự phát triển bền vững, là cơ hội trong bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc địa phương.
Theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới WWF: Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mà ở đó cộng đồng địa phương có sự kiểm soát vào sự phát triển và quản lý hoạt động du lịch và phần lớn lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch được giữ lại cho cộng đồng. Có thể nói, du lịch dựa vào cộng đồng là phương thức phát triển du lịch trong đó cộng đồng dân cư tổ chức cung cấp các dịch vụ để phát triển du lịch, đồng thời tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa, đồng thời cộng đồng được hưởng quyền lợi về vật chất và tinh thần từ phát triển du lịch và bảo tồn tự nhiên.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế so sánh trong phát triển du lịch, trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù. Tính đa dạng, phong phú của các di sản văn hóa tộc người mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc khác nhau đã tạo nên sức hút cho du lịch di sản.
Du lịch di sản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Du lịch di sản góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch. Du lịch ở đây dựa trên du lịch cộng đồng gắn với đời sống người dân. Khách du lịch được trải nghiệm những hoạt động quen thuộc của người địa phương, chứ người dân không phải thay đổi để làm hài lòng du khách.
Đây là cách làm du lịch bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên, văn hoá của tộc người, coi trọng vai trò cộng đồng, tránh được cách làm mai một giá trị truyền thống ở nhiều nơi. Nhờ phát triển du lịch, nhiều di sản văn hóa trước đây bị mai một nay đã được phục hồi, như nghề làm thuốc của người Dao, nghề thêu dệt thổ cẩm của người Thái v.v... Tuy nhiên, du lịch di sản cũng có một số tác động tiêu cực đến hệ thống các di sản văn hóa như: xu hướng “thương mại hóa” ngày càng tăng, phải cải biến một số đồ dùng, trang phục để bán được cho du khách; sân khấu hóa việc trình diễn nghi lễ của đồng bào đã cắt gọn đi một số yếu tố; lượng khách tăng cao làm quá tải khả năng đáp ứng của địa phương, tác động đến môi trường sinh thái và nếp sống văn hóa của người dân địa phương; phát triển du lịch cộng đồng với tầm nhìn ngắn hạn, thiếu sự liên kết; chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng không được đảm bảo...
Tại nhiều địa phương, nhiều làng, bản của đồng bào DTTS có bản sắc văn hóa đa dạng. Nhưng do phần lớn là các hộ gia đình nghèo, thiếu vốn hoặc kỹ năng để kinh doanh du lịch nên thường hợp tác với các doanh nghiệp để được hưởng lợi nhuận nhưng với tỷ lệ và không ổn định. Sự chia sẻ lợi ích chưa công bằng giữa một số doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương dẫn tới việc chưa khuyến khích được người dân tham gia vào chuỗi hoạt động du lịch bền vững, chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời đặt ra nhiều khó khăn trong giải quyết các vấn đề xã hội ở vùng đồng bào DTTS.
Để thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trước tiên cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững, đó là đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai. Du lịch phát triển bền vững cần phải dựa theo 4 trụ cột: văn hóa - môi trường - xã hội - kinh tế.
Để thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch nói trên tại cộng đồng, vùng đồng bào DTTS, các địa phương cần có giải pháp mang tính bền vững đảm bảo phát triển lâu dài, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người DTTS. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về chiến lược, quy hoạch du lịch cộng đồng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó cần có các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch cộng đồng mạnh hơn, đồng thời vẫn giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Tăng cường, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương. Qua đó, tạo sức bật cho du lịch cộng đồng phát triển, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo điều kiện xóa đói giảm nghèo cho người dân ở nhiều vùng còn khó khăn.
Ngày 17/6/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 1662/QÐ-BVHTTDL về việc tổ xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tập trung thực hiện tại các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Phú Thọ, Điện Biên, Nghệ An, Lâm Đồng, Bình Phước. Kế hoạch nhằm mục đích tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống và các phong trào văn hóa, văn nghệ vui tươi, lành mạnh, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước...
Thanh Hải