Quy hoạch hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục vùng dân tộc thiểu số

02:44 PM 17/09/2021 |   Lượt xem: 1981 |   In bài viết | 

Trường phổ thông dân tộc nội trú - nơi tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (ảnh tư liệu)

Trường PTDT nội trú là loại hình trường công lập, chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường dành cho thanh, thiếu niên các DTTS với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng DTTS, miền núi. Trường PTDT nội trú có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng ở vùng DTTS và miền núi.

Trường PTDT bán trú với tiền thân là mô hình trường nội trú dân nuôi đã hình thành và phát triển từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trường PTDT bán trú được chính thức công nhận từ khi Quốc hội ban hành Luật Giáo dục ngày 14/6/2005; sau đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 15/12/2009 và hiện nay là Luật Giáo dục năm 2019.

Hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú được phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện cho con em DTTS được học tập, ăn ở tại trường. Triển khai Đề án củng cố phát triển hệ thống trường PTDT nội trú theo Quyết định số 1640/QĐ-TTg, đã có nhiều lớp học, phòng học mới được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới. Mục tiêu của Đề án 1640 là củng cố, phát triển hệ thống trường PTDT nội trú theo hướng trường trung học đạt chuẩn quốc gia và đảm bảo các điều kiện giáo dục đặc thù; nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo, phấn đấu trường PTDT nội trú trở thành trường hàng đầu về chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng DTTS; thực hiện tốt nhiệm vụ tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các DTTS.

Một số kết quả đáng khích lệ

Thực hiện Đề án củng cố, phát triển các trường PTDT nội trú, các tỉnh, thành phố đã nâng cấp được 935 phòng học thông thường và bộ môn; 631 phòng phục vụ học tập, giáo dục; 2.875 phòng nội trú, 219 công trình cấp nước sạch và nhà vệ sinh…

Tính đến hết năm học 2019-2020, toàn quốc có 325 trường PTDT nội trú ở 49 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với gần 106 nghìn học sinh; có 1.124 trường PTDT bán trú với hơn 237 nghìn học sinh. Các trường PTDT nội trú đã từng bước khẳng định vị thế hàng đầu về chất lượng giáo dục ở vùng DTTS và miền núi. Các trường PTDT bán trú khẳng định được vai trò to lớn trong việc huy động tối đa học sinh tiểu học và THCS trong độ tuổi tới trường, tăng tỷ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Hệ thống 1.097 trường PTDT bán trú được thành lập ở 28 tỉnh, với quy mô gần 186 nghìn học sinh. 15,2% số trường PTDT bán trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh bán trú hoàn thành cấp tiểu học đạt 98,9%, cấp trung học cơ sở đạt 92%.

Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc và bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục. Học sinh trường PTDT nội trú, trường dự bị đại học được Nhà nước đảm bảo chi phí ăn, ở, học tập. Học sinh trường PTDT bán trú được hỗ trợ gạo 9 tháng/năm. Học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là người DTTS đáp ứng được các điều kiện thụ hưởng chính sách được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở, hưởng 9 tháng/năm, được hỗ trợ tiền nhà ở. Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ 10% mức lương cơ sở, 9 tháng/năm. Chế độ, chính sách được thực hiện đúng, đủ, kịp thời, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động trẻ em, học sinh, sinh viên người DTTS đi học, không bỏ học giữa chừng. Nhiều địa phương đã ban hành những chính sách riêng để hỗ trợ học phí và chi phí học tập cho học sinh, sinh viên DTTS của địa phương mình.

Chất lượng giáo dục của các trường PTDT nội trú được nâng lên qua từng năm học. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm đạt trên 97%, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 90%. Trong số 6.000 học sinh các trường PTDT nội trú tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm, có trên 50% đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng, 5% học cử tuyển, 13% vào dự bị đại học, 30% học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề và về địa phương tham gia công tác, lao động sản xuất.

Quy hoạch tổng thể hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú

Cùng với sự phát triển cũng như biến động về kinh tế - xã hội của đất nước, mô hình trường PTDT nội trú và bán trú bộc lộ những khó khăn, hạn chế cần khắc phục và đổi mới để phù hợp với yêu cầu mới. Trên quan điểm tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống trường PTDT nội trú theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh lãng phí. Tiến hành rà soát, quy hoạch hoàn thiện trường PTDT nội trú phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương, với điều kiện kinh tế - xã hội và dân tộc khác nhau. Trường PTDT nội trú phải được quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra theo đúng mục tiêu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Cần tiếp tục củng cố, duy trì và phát triển hệ thống trường PTDT bán trú trên cơ sở phù hợp với thực tế của địa phương, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững và có chất lượng. Tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng học sinh bán trú, đảm bảo các em có điều kiện ăn, ở, học tập và sinh hoạt an toàn; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh DTTS và các hoạt động giáo dục đặc thù.

Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường PTDT nội trú, bán trú theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng đổi mới giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh. Đầu tư kinh phí cho xây dựng các tài liệu, học liệu phù hợp với đặc điểm vùng, đặc điểm dân tộc. Tăng cường công tác quản lý giáo dục đáp ứng đổi mới mô hình trường PTDT nội trú, bán trú; đề xuất các điều kiện đảm bảo thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới trong các trường. Từng bước xây dựng hệ thống trường PTDT là nòng cốt trong hệ thống giáo dục dân tộc, nhằm đào tạo nguồn nhân lực người DTTS có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng DTTS và miền núi, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 cũng đã xác định một số mục tiêu liên quan đến GD&ĐT như: Đổi mới hoạt động của cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho con em đồng bào DTTS, miền núi, bảo đảm thực hiện công bằng trong giáo dục giữa các vùng, miền và dân tộc; củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú để bảo đảm tốt việc tổ chức dạy học và nuôi dưỡng học sinh DTTS; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDT nội trú, bán trú.

PV