Tăng cường giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số

09:58 PM 09/09/2021 |   Lượt xem: 564 |   In bài viết | 

Nạn tảo hôn khiến nhiều phụ nữ người DTTS phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi.

Đó là những kết quả tích cực nhờ các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện các hoạt động tư vấn, can thiệp, nâng cao trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng DTTS và miền núi trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Đến xóm Tam Va, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, không khó để thấy được những ảnh hưởng kéo dài của việc tảo hôn trước đây đối với bà con người Mông trong cuộc sống sinh hoạt. Thế nhưng, có những gia đình, việc tảo hôn vẫn tiếp diễn. Chị Ngô Thị Sía, người phụ nữ mới ngoài 40 tuổi đã có cháu nội, lúc lấy chồng, chị mới 17 tuổi… Thấm thía nỗi khổ khi lấy chồng sớm, không muốn các con lặp lại nhưng chị cũng không ngăn được con mình tảo hôn.

“Vì tôi không biết nên mới lấy chồng sớm, cuộc sống vất vả không biết làm thế nào được, những đứa con của tôi lớn lên mình nói nó không nghe, không biết làm thế nào, đành để chúng nó làm theo ý của nó, nếu mình nói nhiều sợ chúng nó lại rủ nhau đi nhảy vực hay ăn lá ngón” Chị Sía chia sẻ.

Ngoài câu chuyện nghèo, việc tảo hôn còn khiến quá trình thực hiện các giấy tờ tùy thân gặp nhiều khó khăn vướng mắc, ảnh hưởng đến chính quyền lợi của cá nhân. Thực tế ở Thái Nguyên có những cặp vợ chồng đi làm đăng ký khai sinh cho con thì đứa con thứ 2 có cả bố và cả mẹ nhưng con lớn đăng ký khai sinh chỉ có tên mẹ do lúc sinh ra mẹ chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn.

Em Nông Thị Vi - xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường, Võ Nhai cho biết: “Không làm được giấy đăng ký kết hôn và cũng không làm được giấy khai sinh cho con, con có bị ốm cũng không có bảo hiểm. Lấy chồng sớm thì khó làm các giấy tờ lắm”.

Theo thống kê của ngành Dân số, trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 500 cặp vợ chồng tảo hôn, chiếm 1,77% dân số vùng đồng bào DTTS. Trong đó, huyện Võ Nhai là địa bàn có số lượng cặp tảo hôn chiếm nhiều nhất. Độ tuổi kết hôn của các cặp vợ chồng tảo hôn thường ở độ tuổi 16-17. Thậm chí, có cặp vợ chồng kết hôn khi cả 02 đều còn là học sinh THCS, thiếu sự quản lý giáo dục của bố mẹ, nhà trường, bị tác động bởi môi trường xã hội, đặc biệt là phim ảnh, Internet... đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các em.

Nhận thấy nỗi khổ từ việc kết hôn sớm hay hệ lụy của hôn nhân cận huyết ở ngay nơi bản làng mình sinh sống mà hiện nay nhiều bạn trẻ vùng DTTS đã chuyên tâm vào việc học hành. Em Vương Thị San ở Bản Tèn, xã Văn Lăng là một ví dụ. Được gia đình tạo điều kiện, cộng với những kiến thức về sức khỏe sinh sản, về giới tính được thầy cô giảng dạy, San cùng các bạn phấn đấu rèn luyện, học tập kiến thức, không để vướng vào những chuyện không phù hợp với lứa tuổi học sinh như đã từng diễn ra ở nơi bản làng em sinh sống.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Cùng với thực trạng tảo hôn được giảm thiểu, tình trạng hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh được ghi nhận đã chấm dứt từ năm 2016. Đây là kết quả đáng mừng bởi những hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống là gánh nặng cho gia đình và xã hội, để lại những hậu quả rất nặng nề cho thế hệ tương lai.

Trong các hình thức tuyên truyền, thì việc tuyên truyền các kiến thức về hôn nhân, sức khỏe sinh sản vị thành niên trong trường học, nhất là với các trường ở vùng DTTS là một trong những hình thức thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của các em học sinh, đối tượng chính bị ảnh hưởng bởi tình trạng tảo hôn.

Cùng với đó, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS và miền núi", 5 năm qua, Ban Dân tộc tỉnh, các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện và triển khai lồng ghép tuyên truyền thông qua hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị tuyên truyền về bình đẳng giới; phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng DTTS và miền núi; các lớp tập huấn cho cộng đồng thuộc Chương trình 135; Hội nghị cung cấp thông tin cho Người có uy tín trong vùng DTTS và miền núi, và qua loa phát thanh của xóm, bản.

Tiêu chí không tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng được đưa vào quy định hương ước các dòng họ và quy ước của xóm, tổ dân phố. Ngành y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình đã tích cực can thiệp, lồng ghép các hoạt động truyền thông về phòng chống tảo hôn vào thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình…

Từ thực tế trên, cùng với công tác quản lý, ngăn chặn, phòng tránh tình trạng này thì công tác tuyên truyền cũng cần triển khai một cách thường xuyên, liên tục. Do đó, việc tiếp tục triển khai giai đoạn II của Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025” là hoạt động cần thiết, đang được tỉnh tiếp tục triển khai, góp phần nâng cao nhận thức người dân, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn, từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

Triệu Thuần